PHẠM VĂN TAM, ASANZO VÀ SỰ TRỞ LẠI CÙNG WINSAN

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ TẬP ĐOÀN WINSAN / 25/11/2020 / 0
PHẠM VĂN TAM, ASANZO VÀ SỰ TRỞ LẠI CÙNG WINSAN

Qua biến cố, điều quan trọng nhất với Asanzo là giá trị đồng hành của người tiêu dùng. Động lực này thúc đẩy kế hoạch mới: Winsan ra đời.

Cuối tháng 5/2020, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Winsan. Sự kiện này nhanh chóng tạo điểm chú ý mới trên thị trường.

Điểm chú ý, vì hơn một năm trước, cá nhân ông Phạm Văn Tam cùng thương hiệu Asanzo là chủ đề nóng trong dư luận. Câu chuyện “Sản xuất tại Việt Nam”, xuất xứ sản phẩm của công ty này nổi lên những tranh luận, các đầu mối chức năng vào cuộc…

Trước khi có kết luận cuối cùng, Asanzo rơi vào điêu đứng. Theo chia sẻ của ông Tam, công ty phải mất hai năm và hàng nghìn tỷ để vực dậy hoạt động. Trở ngại lớn nhất, khi đó hầu hết các đại lý siêu thị không dám trưng bày và nhập hàng, doanh số Asanzo giảm tới 80%. Cao điểm, công ty phải dừng mọi hoạt động sản xuất, trừ khâu bảo trì bảo hành sản phẩm.

Rồi có kết luận cuối cùng. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, do pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước, cũng chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” nên việc Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước, sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh và ghi nhãn như trước đó là phù hợp quy định.

Sóng gió lẳng lặng đi qua, nhưng hệ lụy còn lâu dài. Như trên, công ty phải mất hai năm cùng hàng nghìn tỷ để khôi phục hoạt động. Nhưng có một giá trị, động lực được khẳng định: sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Ông Tam cho biết, trong sự cố pháp lý nói trên, nhiều hệ thống đại lý tạm thời nói không với sản phẩm của công ty, nhưng thật bất ngờ, người dùng không quay lưng. Đây cũng chính là điểm tựa lớn nhất để Asanzo vượt qua hoạn nạn, bởi nếu người tiêu dùng cũng quay lưng hoặc phản ứng tiêu cực thời điểm đó thì hẳn thương hiệu Việt này hẳn đã bị “hóa vàng”.

Vậy vì sao Asanzo không bị người tiêu dùng quay lưng, ngay cả khi có những luồng dư luận sôi sục và tiêu cực thời điểm đó?

Ông Phạm Văn Tam nhìn lại, có lẽ trước hết là nhờ con đường Asanzo lựa chọn và đã đi. Đó là làm sao tạo được những dòng sản phẩm rẻ nhất thị trường, quan trọng hơn là phù hợp với các phân khúc tiêu dùng, thấu hiểu yêu cầu và đặc thù của từng nhóm khách hàng để có những giải pháp đáp ứng.

Thị trường đã quen thuộc với câu chuyện, con đường của vị doanh nhân sinh năm 1980 này.

Những năm 2008-2009, công nghệ màn hình TV LCD lên ngôi, đi kèm là làn sóng nâng cấp TV màn hình phẳng ở Việt Nam khiến nhu cầu tăng mạnh. Theo thống kê khi đó, mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,2 triệu TV, trong đó TV thương hiệu nước ngoài chiếm 80%.

Nhận thấy đó là cơ hội, Phạm Văn Tam muốn giành lại miếng bánh thị phần rất lớn đó từ nước ngoài, bằng cách tạo dựng một thương hiệu TV của người Việt, làm sao để được người Việt ưa dùng.

Với lưng vốn sau những năm lăn lộn buôn bán tại Sài Gòn, doanh nhân trẻ này khởi nghiệp với ý tưởng đó. Ban đầu, Phạm Văn Tam loay hoay với các thương hiệu Fujiko, SupoViet cùng vô vàn khó khăn về vốn, nhân lực, quản lý và đặc biệt là kinh nghiệm sản xuất, truyền thông, phân phối sản phẩm.

Trong suốt gần 5 năm lăn lộn trên thương trường, những thất bại đầu tiên giúp anh ý thức được việc xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất tập trung và chăm sóc khách hàng bài bản hơn. Ngoài ra trong thời gian này, Phạm Văn Tam cũng tích luỹ được số vốn ban đầu để tất tay trong lần chơi lớn tiếp theo.

Cuối năm 2013, công ty cổ phần điện tử Asanzo ra đời. Khách hàng mục tiêu của Asanzo nhắm tới là những hộ gia đình nông thôn và lao động thu nhập thấp. Anh huy động tất cả nguồn vốn, đầu tư 20 triệu USD cho dây chuyền sản xuất. Vạn sự khởi đầu nan, lô hàng 4.000 chiếc TV đầu tiên bị thu hồi do kỹ thuật lắp ráp chưa tốt dẫn đến hỏng màn hình. Công ty bị lỗ hơn chục tỷ.

Sau cú vấp này, Phạm Văn Tam xốc lại tinh thần, tăng cường đào tạo để nâng cao tay nghề của các công nhân. Chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, thành công nhanh chóng đến với Asanzo khi đạt doanh số hơn 100.000 chiếc TV. Năm 2015, con số này tăng gấp ba lần. Năm 2016, lượng TV bán ra lên tới con số 500.000 chiếc và tiếp tục tăng 140% một năm sau đó. Ngoài TV, đến năm 2018, Asanzo bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại.

Với “tốc độ Thánh Gióng” đó, thị phần của các thương hiệu nước ngoài đã bị chia sẻ. Theo thống kê, Asanzo từng chiếm tới 15% thị phần TV Việt.

Người tiêu dùng đón nhận, và không quay lưng ngay cả khi sôi sục thị phi. Theo đúc kết của ông Tam, gắn kết bền chặt của Asanzo chính là sự thấu hiểu khách hàng của mình, mang đến sản phẩm rẻ nhất và phù hợp nhất với họ.

Câu chuyện TV Asanzo “cải tiến ngược” bằng cách loại bỏ những tính năng “thông minh” không cần thiết, gia cố sức bền để phù hợp môi trường lao động của người nông dân, nâng cấp âm lượng để quen thuộc, vừa túi tiền và ưa dùng trên ghe xuống máy vùng miền Tây… có lẽ đã trở thành một thực tế kinh điển đối với những nhà sản xuất trong lĩnh vực này.

Nhưng rồi, như trên, biến cố pháp lý và sóng gió ập tới.

“Đợt báo chí đưa tin về vụ việc nguồn gốc xuất xứ của Asanzo, nhiều khách hàng cũng đến để hỏi chuyện ra sao. Tuy vậy, mọi người không ai phàn nàn về chất lượng sản phẩm. Giá TV rẻ, lại dùng ổn nên khách hàng đều hài lòng, cũng không đòi hỏi gì. Tỷ lệ bảo hành rất thấp. Đại lý của tôi ở tỉnh miền núi nhưng anh Tam cũng tới giao lưu, hỏi thăm 3-4 lần từ khi đăng ký làm đại lý phân phối sản phẩm Asanzo”, chị Huyền, chủ Điện máy Ngọc Huyền ở Pleiku (Gia Lai) cho biết.

Người tiêu dùng quan tâm và hỏi han. Còn khái niệm của họ về sản phẩm qua trường hợp Asanzo không hẳn sẽ bị thay đổi.

Như ông Tam lý giải về lựa chọn, làm sao thấu hiểu người tiêu dùng để mang đến sản phẩm phù hợp, giá hợp lý; hay thực tiễn “cải tiến ngược” nói trên là minh chứng của thành công.

Còn ở góc độ chuyên gia, bà Bùi Kim Thùy, thành viên Hội đồng Cố vấn Harvard nhìn nhận: “Xin đừng nhầm lẫn khái niệm “yêu nước” bằng việc sử dụng thật nhiều sản phẩm (bao gồm hàng hóa và dịch vụ) “Made in Việt Nam” và cũng đừng nhầm lẫn khái niệm “Made in Việt Nam” có nghĩa là sản phẩm đó hoàn toàn của người Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ, được tạo ra toàn bộ trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam”.

Theo chuyên gia này, “Chứng nhận xuất xứ hàng hóa” chỉ có nghĩa là một tờ xác nhận rằng bản đó được cấp bởi Việt Nam (cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc thương nhân được ủy quyền tự cấp) và rằng công đoạn gia công chế biến cuối cùng chắc chắn được diễn ra tại Việt Nam chứ ko có nghĩa là toàn bộ sản phẩm đó được tạo ra tại Việt Nam. Kể cả 100% các yếu tố đầu vào được nhập khẩu, nhưng nếu công đoạn lắp ráp cuối cùng đáp ứng một/một vài tiêu chí xuất xứ cụ thể thì hàng hóa đó, sản phẩm đó vẫn được coi là có xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường có hoặc không có FTA với Việt Nam.

“Quy trình sản xuất là thế, chuỗi cung ứng là thế, cả trăm năm nay như thế. Người chủ sở hữu thương hiệu có thể đặt từng loại nguyên liệu ở bất cứ đâu, và công đoạn quan trọng nhất, tạo nhiều giá trị gia tăng nhất lại không nằm ở công đoạn sản xuất, mà nằm ở khâu tiền sản xuất (R&D, thiết kế, tạo mẫu) và hậu sản xuất (marketing, phân phối, truyền thông, xây dựng một câu chuyện về sản phẩm, concept của cửa hàng flagship store, chế độ hậu mãi,…).

Nguyên lý đơn giản vậy mà sao ta cứ mãi cãi nhau về việc yêu nước hay không yêu nước là phải dùng hàng Việt Nam trong khi pháp luật Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện cho ta một định nghĩa về hàng Việt Nam”, bà Bùi Kim Thùy phân tích, cũng như nêu quan điểm Asanzo hay bất kỳ sản phẩm nào khác cũng phải dựa trên cách làm tử tế, bao gồm sản phẩm tử tế và truyền thông tử tế.

“Kinh tế Việt Nam sẽ lớn mạnh nhờ vào sự tử tế của họ”, bà Thùy nói. 

Trở lại với bước đi mới, thành lập Công ty Winsan, ông Phạm Văn Tam nói: “Tôi muốn khẳng định lại là con đường tôi chọn không bao giờ từ bỏ là mong muốn tạo nhiều công ăn việc làm, tạo ra những sản phẩm rẻ nhất cho người dân, tạo ra hệ sinh thái mạnh hơn nữa cho các bạn trẻ khởi nghiệp”.

Winsan có vốn ban đầu 1.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm thời gian tới. Khoảng 70% số vốn sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ - điện tử. Winsan sẽ quản lý vốn đầu tư vào các thương hiệu (trong đó có Asanzo). Công ty liên kết với các công ty khác theo mô hình tập đoàn, công ty mẹ - công ty con. Ông Phạm Văn Tam giữ nhiệm vụ hoạch định chiến lược, đưa ra phương hướng nhưng các công ty con, thương hiệu con vận hành hoàn toàn độc lập.

Ông Tam cho biết bản thân nhận thấy những bất cập trong quy trình quản lý và vận hành của Asanzo trong thời gian phát triển nhanh. Biến cố vừa xảy ra cũng là cơ hội để công ty hoàn thiện lại toàn bộ để hoạt động tối ưu hơn, với Winsan.

Ngoài ra, Winsan chính là công ty lập ra để hiện thực hoá mục tiêu tiếp theo của doanh nhân này, tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp cho người Việt trẻ, theo chia sẻ của ông Phạm Văn Tam.

HỒNG QUÂN

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:


WINSAN Group | Cung cấp bởi Sapo